Việc đưa thiên nhiên vào nội thất đã phổ biến với các dự án nhà ở, nhưng nó là một thách thức đối với các dự án như bệnh viện, trường học và văn phòng. Vậy các KTS có thể sử dụng những “thủ thuật” thông minh nào để tạo thêm nét tự nhiên cho thiết kế của họ?
Một nghiên cứu mới từ trường đại học Oregon (được trình bày chi tiết trong một bài báo của The Washington Post) đã chỉ ra những lợi ích tuyệt vời cho con người về cả thể chất và tâm lý khi mang thiên nhiên vào bên trong ngôi nhà.
Thiên nhiên mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta, nhất là trong cuộc sống hiện đại con người đang dành đến 90% cuộc sống của mình bên trong các tòa nhà. Song không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tiếp cận được thiên nhiên. Khi các nhà nghiên cứu tìm ra cách để đưa những yếu tố như gió và ánh sáng mặt trời vào bên trong, họ nhận thấy rằng việc tiếp xúc với những chuyển động tự nhiên này sẽ làm giảm nhịp tim, đồng thời ít bị phân tâm hơn so với những chuyển động tương tự được tạo ra nhân tạo.
Cho đến nay, công trình xanh là một khái niệm quen thuộc, nhưng bài báo trên tờ The Washington Post lại đề xuất việc thiết kế vượt ra ngoài những công trình xanh như chúng ta vẫn biết ngày nay. Lý tưởng nhất là các tòa nhà nên tích cực thể hiện mối quan hệ của chúng với thiên nhiên, vượt ra ngoài yếu tố đơn giản là “không gây hại”.
Thêm hình ảnh chuyển động tự nhiên vào các kỹ thuật xây dựng bền vững hiện có có thể giúp người dân cảm nhận thiên nhiên mạnh hơn. Ví dụ thêm một lớp nước nông vào một giá đỡ ánh sáng, sau đó gió làm gợn sóng nước để tạo ra các mô hình ánh sáng mặt trời trên trần nhà. Các chuyển động của ánh sáng, gió và mưa đã được chứng minh là có tác dụng làm dịu tâm hồn cho những cư dân ở trong tòa nhà. Các nhà nghiên cứu trong thậm chí còn nghiên cứu xem liệu những chuyển động tự nhiên này có thể được tái tạo bằng phần mềm hay không nhưng nhận thấy rằng những chuyển động được tạo ra nhân tạo không thể thay thế cho tự nhiên.
Tuy nhiên, trong khi việc đưa thiên nhiên vào thiết kế thường khá đơn giản trong các dự án như nhà ở thì nó có thể là một thách thức lớn hơn trong các dự án thể chế như bệnh viện, trường học và văn phòng. Vậy các kiến trúc sư có thể sử dụng những thủ thuật thông minh nào để tạo thêm nét tự nhiên cho thiết kế của họ?
Dưới đây là một danh sách nhỏ các dự án sử dụng một kỹ thuật sáng tạo khác nhau để kết hợp thiên nhiên vào cuộc sống vì lợi ích của những cư dân và hành tinh của chúng ta.
Santa Fe de Bogotá | El Equipo de Mazzanti
Ở thành phố Bogotá, Colombia, nỗ lực thiết kế này nhằm tạo ra một “bệnh viện trong vườn” kết hợp không gian để tắm nắng tiếp xúc với thiên nhiên nhằm gia tăng hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân. Thông qua việc trồng cây và sử dụng gạch một cách sáng tạo, phòng tắm nắng được bảo vệ nhưng vẫn có thể tiếp cận với các mô hình ánh sáng thay đổi, thông gió tự nhiên và không khí trong lành từ thực vật. Phòng tắm nắng cho phép bệnh nhân tiếp xúc với thiên nhiên thông qua buồng tắm có bảo vệ hoặc trực tiếp trên sân, và kết quả là bệnh viện đã giảm được tối đa thời gian hồi phục cho bệnh nhân của họ.
Maggie’s Oldham | dRMM
Một trung tâm y tế khác có tên là Maggie’s Oldham chuyên hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư. Trung tâm Maggie đặc biệt này tập trung vào các khía cạnh chữa bệnh của tự nhiên, đặc biệt là cây cối và gỗ. Trung tâm được xây dựng xung quanh một cái cây, mọc xuyên qua giữa tòa nhà và có thể được nhìn thấy qua các bức tường kính từ bất kỳ đâu.
KMC Corporate Office | RMA Architects
Tòa nhà văn phòng này đã thiết kế “bức tường xanh” với hệ thống hai lớp bao gồm các khay thủy canh tích hợp và hệ thống phun sương trên mặt tiền tường thực vật bên ngoài của tòa nhà. Thảm thực vật điều chỉnh ánh sáng và không khí bên trong và các loài thực vật khác nhau được tổ chức để tạo ra sự thay đổi thẩm mỹ theo mùa cho ngoại thất của tòa nhà.
Gạch và giải pháp thiết kế thụ động trong trường đại học | TAISEI DESIGN Planners Architects & Engineers
Ở khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, tòa nhà của trường đại học này sử dụng chiến lược thụ động để duy trì sự thoải mái. Các tán lớn tạo ra một sân thượng bán ngoài trời bảo vệ mọi người khỏi mưa nắng và các tấm chắn bằng gạch xốp cho phép ánh sáng tự nhiên len lỏi vào bên trong. Các khe hở nhỏ trong mô hình gạch phân tán ánh sáng mặt trời chiếu qua, tạo ra sự thay đổi liên tục trong ngày. Với sáng kiến này, sinh viên vẫn được bảo vệ nhưng hoàn toàn không bị cô lập khỏi thiên nhiên.
Trụ sở EDU | Empresa de Desarrollo Urbano EDU + Salmaan Craig
Tại Medellin, Colombia, tòa nhà Trụ sở EDU mới hướng tới mục tiêu trở thành một “tòa nhà có khả năng thở” khi sử dụng một kiểu thông gió thụ động sáng tạo. Hệ thống thông gió bằng phao có khả năng đáp ứng tốt hơn với việc tăng công suất sử dụng của tòa nhà và đáng tin cậy hơn so với quạt thông gió. Ngay cả khi không có gió, hệ thống thông gió này có thể duy trì làn gió dễ chịu khắp tòa nhà.
Trung tâm Chupei | CYS.ASDO
Thiên nhiên len lỏi khắp không gian văn phòng này, các khung cảnh cụ thể được đóng khung và tạo ra những bóng đổ đánh dấu sự trôi qua của thời gian theo từng giờ, từng mùa khi chúng thay đổi. Hình thức của tòa nhà tạo ra sự cởi mở và mang đến trải nghiệm dễ chịu khi thiên nhiên hòa quyện trong ngôi nhà.
Biên dịch | Hương Lan (Nguồn: Archdaily)