Các xu hướng kiến trúc Việt Nam sau năm 1975

Các xu hướng kiến trúc Việt Nam sau năm 1975

1. Bối cảnh

Sau Hiệp định Geneve (1954), đất nước bị chia cắt hai miền Bắc – Nam, phát triển theo hai mô hình chính trị – xã hội khác nhau cho đến khi thống nhất đất nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Giai đoạn đất nước bị chia cắt, kiến trúc hai miền có sự khác biệt, miền Bắc chịu ảnh hưởng của khối XHCN, miền Nam chịu ảnh hưởng của khối TBCN. Tuy nhiên, những KTS trụ cột của cả hai miền hầu hết đều xuất phát từ hệ thống đào tạo của Pháp thời Đông Dương và đều có ý thức dân tộc. Vậy nên, dù chịu ảnh hưởng khác nhau về mặt chính trị – xã hội, kiến trúc hai miền giai đoạn 1954-1975 vẫn có sự tương đồng nhất định. Đây chính là cơ sở quan trọng để sau ngày đất nước thống nhất, tư tưởng kiến trúc giữa hai miền nhanh chóng hòa nhập với nhau. Tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc trong giới KTS diễn tiến khá nhanh (điều này khác với một số ngành văn học nghệ thuật khác cho đến tận hiện tại vẫn còn ít nhiều “lấn cấn” ý thức hệ). Chúng ta có thể thấy tư tưởng kiến trúc hai miền đã thống nhất và hòa giải nhanh chóng thế nào qua trường hợp của KTS Ngô Viết Thụ, một KTS hàng đầu của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Năm 1976, KTS Ngô Viết Thụ được nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam giao nhiệm vụ thiết kế Ty Thủy Lợi Đăk Lăk; sau đó là Bệnh viện tỉnh Sông Bé (1985), Khách sạn Century Huế (1990)…

Nắm bắt chính xác xu thế thời đại, từ năm 1986 Việt Nam đã tiến hành đổi mới, mở cửa thành công. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân no ấm, nhu cầu xây dựng tăng cao, giới KTS có nhiều “đất diễn”. Kiến trúc không còn bị bó buộc bởi ý thức hệ chính trị khắt khe như giai đoạn trước. Tuy nhiên, do chưa được chuẩn bị nền tảng tư tưởng chắc chắn trước những cơn bão dồn dập của các trào lưu kiến trúc thế giới đang tự do xâm nhập vào nước ta, giới KTS nước ta từ Đổi mới đến nay có phần bị động, cuốn theo cuộc chơi của các văn phòng kiến trúc toàn cầu và những nhà lý luận- phê bình quốc tế. KTS Việt Nam phải chấp nhận tham gia “sân chơi” đã được viết sẵn “luật chơi” bởi các nước phát triển. Nhưng những giải thưởng kiến trúc quốc tế đã đạt được đã chứng tỏ các KTS của ta cũng rất tài năng và nhanh nhạy. Kiến trúc Việt Nam đang hội nhập khá tốt với thế giới, đó là thành công của chúng ta. Nhưng để kiến trúc Việt Nam tự chủ, tự cường, phát triển mạnh mẽ, tiến ra thế giới như một thế lực đáng gờm thì chắc chắn còn phải nỗ lực hơn nữa.

Khách sạn Century Huế (1990) (KTS Ngô Viết Thụ)
Khách sạn Century Huế (1990) (KTS Ngô Viết Thụ)

2. Các xu hướng

Khi nói về các xu hướng kiến trúc Việt Nam, không ít các KTS hành nghề, trong đó có những nhân vật “lão làng”, lại cảm thấy “không hài lòng” khi thấy công trình của mình bị gán vào các xu hướng, tư tưởng nọ kia. Họ nghĩ rằng, công trình của mình là độc nhất vô nhị, chẳng theo một chủ nghĩa, trào lưu nào hết! Điều này cũng dễ hiểu, bởi người Việt Nam vốn không coi trọng lý luận. Lịch sử kiến trúc thế giới đã chứng minh, hiếm khi một bậc thầy KTS nào lại không gắn với một hệ quan điểm, tư tưởng.

Cung Thiếu nhi Hà Nội (KTS Lê Văn Lân)
Cung Thiếu nhi Hà Nội (KTS Lê Văn Lân)

Về cơ bản, kiến trúc Việt Nam sau năm 1975 đến nay được phát triển theo 4 xu hướng chính, đó là:

  • Xu hướng Hiện đại;
  • Xu hướng Hồi cổ;
  • Xu hướng Xanh – Bền vững;
  • Xu hướng Ngữ cảnh;

a. Xu hướng Hiện đại: Luôn là dòng chính

Từ trước năm 1945, kiến trúc Hiện đại đã xuất hiện ở nước ta qua những thiết kế của KTS Huỳnh Tấn Phát ở Sài Gòn của KTS Nguyễn Cao Luyện ở Hà Nội. Kiến trúc Hiện đại tiếp tục là dòng chủ đạo ở cả hai miền Nam – Bắc trong giai đoạn chia cắt, rồi sau ngày thống nhất, cho đến hôm nay.

Xu hướng Hiện đại xuất hiện ở Việt Nam sau 1975 có thể kể đến các phong cách:

Hiện đại bản địa (Vernacular modernism): Sử dụng nguyên lý tạo hình theo kiểu hiện đại (điểm, tuyến, diện, khối) nhưng thích ứng với điều kiện khí hậu đặc thù của Việt Nam, đặc biệt là cách sử dụng hành lang trống, hiên, cũng như những mảng lớn gạch ô thoáng để thông gió và lam che nắng (brise-soleil). Những công trình tiêu biểu cuối thế kỷ 20 có thể kể đến Cung Thiếu nhi Hà Nội (KTS Lê Văn Lân), Khoa Pháp ĐHQG (KTS Pháp), Bưu điện tỉnh Quảng Ninh (KTS Nguyễn Văn Triệu)… Một số công trình gần đây có sử dụng gạch nung xếp hở tạo mặt tiền cũng có thể xếp vào phong cách này như Nhà tổ mối (Tropical space), Cái hang gạch (H&P Architects)…;

High-tech: Áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến, chủ yếu dùng kính ở mặt tiền, ví dụ Kho bạc Nhà nước TPHCM (KTS Nguyễn Trường Lưu), Tháp Bitexco (KTS Zapata), Tháp Lotte, Landmark và các công trình siêu cao tầng khác;

Kho bạc Nhà nước TPHCM (KTS Nguyễn Trường Lưu)
Kho bạc Nhà nước TPHCM (KTS Nguyễn Trường Lưu)

Hiện đại mới (New modernism): Hướng về yếu tố công năng và tinh thần khúc chiết, chắc chắn trong tạo hình theo kiểu Bauhaus và Liên Xô. Những công trình tiêu biểu có thể kể đến Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (KTS Trần Thanh Bình), Nhà Quốc Hội (KTS Von Gerkan)…;

Tối giản (Minimalism): Hướng đến sự đơn giản, có nhiều mảng lớn và hạn chế chi tiết, ví dụ Khu nhà ở Naman (KTS Nguyễn Hoàng Mạnh) hoặc rất nhiều các “khối hộp kính” đơn giản ở các đô thị lớn;
Biểu hiện (Expressionism): Kiến trúc biểu hiện ở Việt Nam chủ yếu theo hướng thiên nhiên hóa kiến trúc, với những công trình tiêu biểu như Nhà trăm mái (KTS Lữ Trúc Phương), Biệt thự Hằng Nga (KTS Đặng Việt Nga)…;

Biệt thự Hằng Nga, Đà Lạt. KTS Đặng Việt Nga
Biệt thự Hằng Nga, Đà Lạt. KTS Đặng Việt Nga

Tượng trưng (Symbolism): Nhấn mạnh đến tính biểu tượng, hay xuất hiện ở các công trình tưởng niệm, ví dụ Đài tưởng niệm Tuyên Quang (KTS Lê Hiệp), Đài tưởng niệm đôi bờ Hiền Lương (KTS Nguyễn Tiến Thuận)…

Đài tưởng niệm Tuyên Quang (KTS Lê Hiệp)
Đài tưởng niệm Tuyên Quang (KTS Lê Hiệp)

b. Xu hướng Hồi cổ: Nhân dân không quên

Xu hướng Hồi cổ ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay hướng đến hai nền kiến trúc rực rỡ của quá khứ, đó là kiến trúc cổ điển Pháp và kiến trúc truyền thống Việt, xin tạm gọi là phong cách Tân cổ điển Pháp và phong cách Tân truyền thống.

Phong cách Tân cổ điển Pháp: Qua 80 năm Pháp thuộc, kiến trúc Pháp đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, với nhiều công trình giá trị cao về mặt thẩm mỹ. Vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển Pháp đã được cả thế giới ghi nhận chứ không chỉ ở Việt Nam. Vượt qua ý thức chính trị, người Việt Nam ngày nay vẫn tìm đến kiến trúc Pháp như tìm đến một vẻ đẹp thuần túy nghệ thuật. Rất nhiều các trụ sở hành chính nhà nước (Bộ Tài chính, Tòa án Tối cao…), biệt thự gia đình trong các khu đô thị mới, thậm chí cả chung cư (the Manor ở Quảng An, Palais de Louis ở phố Nguyễn Văn Huyên…) được thiết kế nhại theo kiến trúc cổ điển Pháp, biến đổi các thức cổ điển và sử dụng vật liệu mới. Tuy xu hướng này không thể hiện được cá tính sáng tạo của cá nhân KTS nhưng lại được người dân yêu thích nên KTS cũng phải “chiều” khách hàng. Xu hướng Tân cổ điển Pháp đôi khi tỏ ra phù hợp hoặc có thể chấp nhận được ở một số khu vực, (ví dụ khu phố Pháp ở Hà Nội), nhưng khi được “nhân bản” tràn lan ở những nơi hoàn toàn không có ngữ cảnh tương thích thì đó là vấn đề cần đặt dấu hỏi về nhận thức của chủ đầu tư cũng như người thiết kế.

Phong cách Tân truyền thống: Kiến trúc truyền thống Việt Nam đã được thử thách qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta thì hẳn nhiên cả về hình thức và triết lý bên trong của nó không phải là tầm thường. Đến ngày hôm nay người phương Tây vẫn coi trọng và tiếp tục sử dụng kiến trúc cổ điển Hy-La. Người Việt Nam cũng vậy, không bao giờ lãng quên truyền thống. Sự bảo thủ này có cả mặt tốt và chưa tốt, cần đánh giá công bằng. Nhà ở theo nếp truyền thống dùng kết cấu gỗ vẫn được các “đại gia” ngày nay yêu thích. Nhiều chùa mới có kết cấu bê tông cốt thép tiếp tục sử dụng mô-típ cổ xưa cũng được nhân dân hoan hỉ (dù giới chuyên môn đôi khi “dị ứng” với những ngôi “chùa kinh doanh” hoành tráng).

Nhà Bắc Hồng, Hà Nội. Thiết kế: Lab Concept
Nhà Bắc Hồng, Hà Nội. Thiết kế: Lab Concept

Khác với kiến trúc nhà thờ đương đại ở các nước phát triển, đôi khi được thiết kế với hình thức sáng tạo mới lạ (như ở các tác phẩm của Le Corbusie, Tadao Ando hay Mario Botta), kiến trúc nhà thờ và chùa hiện nay Việt Nam vẫn tin tưởng vào hình thức truyền thống, nhưng không phải không có sáng tạo. Ví dụ, chùa của phái Khất sĩ, một tông phái do người Việt sáng lập giữa thế kỷ 20, dù vẫn dùng hệ cột và mái kiểu truyền thống nhưng lại mang sắc thái khỏe khoắn, khoáng hoạt, có giá trị nhất định về thẩm mỹ và tư tưởng.

Pháp viện Minh Đăng Quang, TP HCM
Pháp viện Minh Đăng Quang, TP HCM

Trong xu hướng Hồi cổ hiện nay còn có cả tính chiết trung, khi các công trình sử dụng vật liệu kính kiểu hiện đại và lai ghép các mô-típ truyền thống khác nhau. Thực ra, từ xưa đến nay, người Việt Nam vẫn thường tư duy theo kiểu chiết trung, và đã từng tạo ra không ít tác phẩm kiến trúc đẹp như phong cách Đông Dương thời Pháp. Điều đáng tiếc là tính chiết trung ngày nay chưa thật sáng tạo và nhuần nhị, nên đôi khi có cảm giác bị “lai căng”, khiên cưỡng.

c. Xu hướng Kiến trúc Xanh – Bền vững: Đã đến cao trào?

Đây là xu hướng đem lại nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế cho các KTS Việt Nam đương đại. Dù vậy, nội hàm của kiến trúc xanh – bền vững đã được thực hành trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, đặc biệt trong mối liên hệ hữu cơ giữa kiến trúc – con người- thiên nhiên. Đây là xu hướng hiện được ưa chuộng trên thế giới trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Kiến trúc Xanh – bền vững sử dụng nhiều cây xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thích ứng với khí hậu. Những tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến: M-House (KTS Nguyễn Xuân Minh), Nhà ở Bình Thạnh (KTS Võ Trọng Nghĩa), Nhà tổ chim (KTS Nguyễn Hòa Hiệp), Nhà ở công nhân Lào Cai (KTS Hoàng Thúc Hào), Vườn vệ sinh (H&P Architects)…

Kiến trúc xanh trong hầu hết các trường hợp, được hiểu là một xu hướng liên quan đến kỹ thuật và công nghệ nhiều hơn là nội hàm văn hóa tư tưởng. Tất nhiên, trong mọi thời đại, xanh – bền vững đều cần thiết, nhưng cái lý tồn tại của kiến trúc và con người theo chiều sâu bản thể và văn hóa mới giúp chúng ta đánh giá chất lượng nghệ thuật của công trình một cách công bằng, không phải cứ theo trào lưu của thế giới mới là con đường duy nhất.

d. Xu hướng Ngữ cảnh: Sự khởi đầu

Kiến trúc Ngữ cảnh (hoặc Bối cảnh – Contextual architecture) là một cách tiếp cận kiến trúc dựa theo các điều kiện đặc thù về tự nhiên và xã hội của địa điểm xây dựng. Nguồn gốc triết học của chủ nghĩa ngữ cảnh (contextualism) liên quan đến trào lưu hậu cấu trúc luận ở châu Âu nửa sau thế kỷ XX, trong đó nhấn mạnh đến ngữ cảnh (bối cảnh) của một sự vật, hiện tượng bất kỳ. Những nhà ngữ cảnh cho rằng chỉ có thể hiểu được một hành động, văn bản, tác phẩm nghệ thuật tương ứng với một ngữ cảnh nào đó, sự đúng sai, đẹp xấu cũng chỉ là tương đối.

Về cơ bản, chủ nghĩa Ngữ cảnh đặt trọng tâm vào yếu tố khu biệt và đặc sắc của địa phương, thay vì tính phổ biến, đại đồng của chủ nghĩa Hiện đại. Ngữ cảnh cũng không câu nệ vào phong cách hay phải cố gắng thể hiện một bút pháp tạo hình dễ nhận biết ở nhiều chỗ khác nhau, miễn sao phù hợp với bối cảnh, môi trường xung quanh, đặc biệt là yếu tố nơi chốn. Ngữ cảnh cũng hướng đến sự tiếp nối và bổ sung truyền thống trong bối cảnh thời đại mới, không nhại theo hình thức cũ của bối cảnh cũ, nhưng cũng không bỏ rơi truyền thống để hướng tới cái hiện đại chung toàn thể.

Dựa trên những nghiên cứu và thực hành thiết kế gần đây, Kiến trúc ngữ cảnh trên thế giới có 3 sắc thái biểu hiện với các tên gọi là: Kiến trúc bản địa (vernacular architecture), chủ nghĩa phê bình địa phương (critical regionalism), kiến trúc bổ sung (complementary architecture). Do khuôn khổ hạn chế của bài viết, chúng tôi xin trình bày chủ nghĩa ngữ cảnh kỹ hơn ở dịp khác.

Ở Việt Nam, có lẽ chủ nghĩa ngữ cảnh đã xuất hiện từ những công trình của KTS Isakovich như Bảo tàng Hồ Chí Minh, một sự biến đổi kiến trúc Liên Xô phù hợp với điều kiện xã hội, văn hóa, truyền thống Việt Nam. Sau đó có thể kể đến Công trình cải tạo chợ Đồng Xuân của KTS Lê Văn Lân, với sự tiếp nối cái mới trên cái cũ được xử lý thuyết phục. Từ khoảng những năm 2010 trở lại đây, chủ nghĩa ngữ cảnh xuất hiện nhiều hơn, cả ở nông thôn và thành thị. Trước hết đó là loạt nhà cộng đồng cho các dân tộc miền núi của KTS Hoàng Thúc Hào. Sau đó, có thể kể đến Nhà thờ Ka Đơn (KTS Vũ Hương), Bb Home (H&P Architects), Nhà nguyện (A21 studio), Nhà ở Bắc Hồng (Lab Concept), Tòa nhà VUUV…

3. Đề xuất cho định hướng sắp tới

Trước khi đưa ra lựa chọn nên cổ vũ cho xu hướng nào trong thời gian sắp tới, chúng ta phải thống nhất ngay với nhau rằng tất cả các xu hướng kiến trúc (dù xuất phát trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài) đều được tự do phát triển. Mặc dù vậy, vẫn cần phải lựa chọn những xu hướng phù hợp với bối cảnh Việt Nam để khuyến khích phát triển, với ba mục đích chính:

Thứ nhất, phù hợp với chiến lược xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

Thứ hai, làm đối trọng cho những xu hướng ngoại lai dựa theo tiêu chuẩn đẹp xa lạ với thẩm mỹ dân tộc Việt Nam, ngang nhiên lan tràn khắp nơi;

Thứ ba, tiến tới hình thành một (hoặc vài) quan niệm, tư tưởng, trường phái kiến trúc của Việt Nam có tầm ảnh hưởng thế giới.

Kể từ sau Đổi mới, tư duy kiến trúc ở Việt Nam không còn bị gò bó như giai đoạn trước, mọi quan điểm mới trong kiến trúc đều được tự do thử nghiệm, được cạnh tranh sòng phẳng, giống như cơ chế thị trường của nền kinh tế. Nếu như các xu hướng trên được nhân dân, thị trường đón nhận thì chúng phải có cái lý đáng tin cậy của mình. Thị trường chính là phép thử quan trọng cho kiến trúc. Giới KTS chúng ta thường đánh giá cao những gì hiện đại và tiên phong, nhưng nếu như sự bảo thủ, hồi cổ, chiết trung tạo ra được tác phẩm tốt thì cũng đáng được ghi nhận. Thực tế cho thấy rằng xu hướng nào cũng có cái hay cái dở, đều có thể tạo ra những công trình đẹp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải lựa chọn xu hướng phù hợp với 3 mục đích đề ra ở trên để tập trung phát triển, không nên dàn trải.

Nhà thờ Ka Đơn (KTS Vũ Hương)
Nhà thờ Ka Đơn (KTS Vũ Hương)

Trong xu hướng Hiện đại, nên quan tâm, cổ vũ cho phong cách Hiện đại bản địa, bởi thực tế đã chứng minh những công trình của Việt Nam được thiết kế theo phong cách này phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta, ít nhiều có sự đặc sắc về tạo hình. Đây cũng là lựa chọn của phần lớn các bậc thầy kiến trúc Việt Nam thế kỷ 20. Chúng ta cũng lưu ý rằng, kiến trúc Hiện đại của thế kỷ 21 sẽ khác thế kỷ 20. Sự thay đổi trong phong cách Hiện đại bản địa có thể nhận ra trong vài năm trở lại đây, và sẽ tiếp tục được cải tiến để phù hợp với tư duy thời đại.

Xu hướng Hồi cổ khó có thể đảm bảo tiêu chí “tiên tiến, hiện đại”, tuy nhiên trong một số ngữ cảnh phù hợp thì vẫn có thể khuyến khích, ví dụ khu phố cũ, phố cổ, công trình tín ngưỡng tôn giáo. Ngoài ra, Chiết trung dù sao vẫn là một mã gene kiến trúc nổi trội của người Việt, vậy nên nếu như sự sáng tạo mang tính kết hợp nhuần nhị từ nhiều phong cách khác nhau mà phù hợp với bối cảnh công trình thì vẫn đáng hoan nghênh.

Kiến trúc Xanh – bền vững hiện đã và đang được quan tâm đặc biệt, bởi nó đã tạo ra nhiều giải thưởng quốc tế cho kiến trúc Việt Nam, qua đó bước đầu khẳng định sự hội nhập và tài năng của KTS Việt Nam. Trong tương lai gần, xu hướng này vẫn tiếp tục được đề cao trên thế giới nhưng chưa chắc giữ được vị thế “hot” như những năm qua, điều chúng ta có thể nhận thấy trong những giải thưởng kiến trúc danh giá nhất trên thế giới mấy năm trở lại đây đều không phải là những KTS “xanh”. Về phía Việt Nam, chúng ta vẫn nên tiếp tục quan tâm xu hướng này, nhưng chỉ nên duy trì ở mức độ như hiện tại, rồi điều chỉnh sau.

Gần đây, Kiến trúc Ngữ cảnh (Bối cảnh) đã tạo ra nhiều công trình thú vị, mới mẻ, nhưng vẫn nhận ra những giá trị văn hóa truyền thống được tiếp biến. Với các tiêu chí, mục đích đã kể ra ở trên, xu hướng Ngữ cảnh là một hướng đi triển vọng trong tương lai gần, cần khuyến khích phát triển.

Nhà cộng đồng Chiềng Yên (KTS Hoàng Thúc Hào)
Nhà cộng đồng Chiềng Yên (KTS Hoàng Thúc Hào)

4. Thay lời kết

Nhìn lại kiến trúc truyền thống Việt Nam và so sánh với các nền kiến trúc lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản một cách sòng phẳng, ông cha ta không thua kém về mặt thẩm mỹ và tư tưởng (chỉ có quy mô là kém hơn). Khi nước Nhật tái thiết sau chiến tranh (1945), sau 35 năm (1980), kiến trúc Nhật Bản bắt đầu trở thành một thế lực trên thế giới bằng sự diễn đạt tính hiện đại quốc tế từ sự độc đáo truyền thống dân tộc, khác với truyền thống phương Tây. Họ cũng có nhiều nhà lý thuyết kiến trúc, trong đó nổi bật nhất là Kurokawa với Chuyển hóa luận. Trung Quốc trỗi dậy từ đống đổ nát Cách mạng văn hóa (1976), cũng sau đó khoảng 35 năm (2012), Trung Quốc có giải thưởng Pritzker đầu tiên, đồng thời trở thành nơi tụ hội và thử nghiệm cho các KTS hàng đầu trên thế giới, với những công trình tiêu biểu của các xu hướng kiến trúc đương đại. Còn Việt Nam, kể từ khi Đổi mới (1986) đến nay (2021 – đã tròn 35 năm)chúng ta vẫn chưa xuất hiện một KTS nào có tầm thế giới, chưa thể lôi kéo những KTS hàng đầu thế giới đến thể nghiệm, chưa thể đột phá hiện đại bằng tinh thần truyền thống dân tộc, chưa thể tạo ra một lý thuyết kiến trúc mới đủ tầm. Đó là điều khiến bất cứ KTS Việt Nam nào có tinh thần trách nhiệm với xã hội – đất nước không khỏi trăn trở. Câu trả lời xin để dành cho quý vị!

KTS Vũ Hiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *